Tin tức sự kiện

Phương pháp giúp trẻ không còn bướng bỉnh, lì lợm

Cập nhật: 10-01-2019 02:23:34 | Tin tức sự kiện | Lượt xem: 2205

Phương pháp giúp trẻ không còn bướng bỉnh, lì lợm. Các em nhỏ ở lứa tuổi mầm non vẫn chưa biết điều chỉnh cảm xúc nên khi thích cái gì đó sẽ đòi cho bằng được, khi muốn chống đối sẽ tỏ ra giận dữ, lầm lì,…. Tuy nhiên, những thói quen xấu đó sẽ được cải thiện nhờ những thông tin hữu ích về cách dạy trẻ ngang bướng, lì lợm dưới đây.

 

Trẻ nhỏ lì lợm, bướng bỉnh do đâu?

Trẻ nhỏ bướng bỉnh, lì lợm có thể do nhiều nguyên nhân cả do khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn do các nguyên nhân sau:

Trong một số trường hợp, sự bướng bỉnh là cách để các bé dò xét cũng như khẳng định sự tự do khi làm hoặc không muốn làm điều gì đó.

Một số bé tỏ ra bướng bỉnh bởi chúng muốn được chú ý, quan tâm. Đối với những trường hợp này, cha mẹ nên làm thế nào để bé nhận thấy được tình yêu thương và quan tâm từ cha mẹ.

 

Ngoài ra, nguyên nhân của sự lì lợm, bướng bỉnh của các em cũng có thể xuất phát từ việc trẻ luôn bị bố mẹ ép buộc tham gia các hoạt động mà đối với bé không thú vị, không thu hút được sự quan tâm của bé. Lâu dần các em trở nên thờ ơ với những yêu cầu từ bố mẹ, đồng thời bé muốn bày tỏ thái độ chống đối của bản thân bằng cách im lặng, không phản ứng.

Hoặc có thể sự phớt lờ, sự ngang bướng đến từ việc bé đang phải đối mặt với hội chứng rối nhiễu tâm lý. Điều này bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm.

Phương pháp dạy trẻ lì lợm, ngang bướng mà bố mẹ cần nắm

Phương pháp thứ nhất, đặt mình vào vị trí của con

Nếu con tỏ thái độ bướng bỉnh, không nghe lời, bạn đừng vội tức giận mà hãy đặt mình vào vị trí của con để xem xét nguyên nhân. Vì có nhiều vấn đề đối với cha mẹ đó là sự ngang bướng, nhưng đối với trẻ nhỏ thì đó là do cha mẹ không giữ lời hứa. Những lúc như thế, các bậc phụ huynh nên đặt mình vào vị trí của con và đừng quên xin lỗi con em mình.

Phương pháp thứ hai, cho con các lựa chọn khi con đang tỏ ra cứng đầu, không nghe lời

Làm cho một đứa trẻ ngang bướng mất tập trung là cách tốt để các bé nhanh chóng quên đi những đòi hỏi của mình. Do đó, khi bé từ chối bất cứ điều gì bạn yêu cầu, hãy đưa ra cho con một vài sự lựa chọn. Ví dụ thay vì đưa ra các yêu cầu mang tính chết mệnh lệnh như “đi ngủ đi”, hãy thử cho con được quyền lựa chọn “con có muốn nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ không?” để bé biết rằng đã đến giờ cần đi ngủ. Bằng cách đưa ra những sự lựa chọn như thế, các bé sẽ cảm thấy ý kiến của mình có giá trị, ngay cả khi đó là những lựa chọn do bố mẹ đưa ra.

Phương pháp thứ ba, hãy là những “tảng băng”

Nếu các bé vẫn tiếp tục ngang bướng, không “nhượng bộ”, bạn hãy áp dụng nguyên tắc “quá tam ba bận”, có nghĩa là bạn hãy đặt mình ở vị trí của con để giải thích, khoảng 3 lần. Bạn hãy nói thật chậm và nghiêm để bé thấy tầm quan trọng của vấn đề. Sau 3 lần nếu bé vẫn không nghe lời, khóc lóc, giận dỗi hay ăn vạ, bạn nên chuyển sang thử sử dụng biện pháp phớt lờ bằng cách tập trung vào việc mình đang làm và bỏ ngoài tai cơn lì lợm, ngang bướng của các bé.

Lúc này đòi hỏi cha mẹ thật sự kiên nhẫn vì khi ấy bé dễ la hét, ho hay khóc đến cả giờ đồng hồ để gây chú ý với cha mẹ. Nếu thấy con ho, khóc không quá nghiêm trọng thì đừng rối lên, bởi vì nếu bé có thể sử dụng việc ho, khóc để đưa ra yêu sách với bạn một lần thì lần sau bé sẽ tiếp tục hành động như vậy khi muốn đưa ra yêu cầu hoặc đòi cha mẹ làm theo ý mình.

Kiên nhẫn đợi vài phút khi cao trào của cơn giận dữ qua đi, để bé quên đi cơn giận, bạn có thể đánh lạc hướng bé bằng những việc bé thích.

Phương pháp thứ tư, uốn nắn từ từ

Sau khi cơn giận đã qua đi là lúc thích hợp để bạn giải thích kỹ càng những điểm sai cho con. Thỉnh thoảng, cũng nên để các bé tự làm theo ý thích của bản thân, không ép bé làm những điều bé không thích như: tắt tivi trong lúc bé đang xem phim hoạt hình, ép bé phải ăn nhiều,…

Phương pháp thứ năm, hãy tạo một bầu không khí yêu thương, tôn trọng

Hãy biến nhà bạn thành một nơi hạnh phúc, thoải mái đối với các bé. Tạo ra một bầu không khí luôn có sự tôn trọng, yêu thương, cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau. Đưa ra những nguyên tắc, kỷ luật để bé thực hiện theo cũng rất cần thiết, nhưng hãy chắc chắn bạn làm điều đó một cách trìu mến chứ không áp đặt bé phải làm theo ý mình. Thay vì ép buộc con phải tuân thủ nguyên tắc, hãy thuyết phục con bạn, nói cho con về tầm quan trọng của các quy tắc được đặt ra.

Phương pháp thứ sáu, hãy trở thành những tấm gương sáng cho con

Nếu cha mẹ là người dễ bị tức giận bởi những vấn đề nhỏ, trẻ có nhiều khả năng càng trở nên bướng bỉnh hơn. Bởi vậy, chính các bậc phụ huynh phải là người cần học cách kiểm soát cơn giận của bản thân và trở thành gương mẫu cho con nếu muốn dạy con trở thành đứa trẻ tốt.

Cuối cùng, tuyệt đối không nên tranh luận gay gắt, quát mắng, đánh đòn con thái quá

Đây là một nguyên tắc quan trọng để đối phó với một đứa trẻ ngang bướng, không nghe lời. Khi con bạn không nghe lời hoặc tức giận, đó không phải là thời điểm thích hợp để bạn tranh luận đúng sai. Tốt hơn là hãy chỉ ra những điểm sai khi con đã sẵn sàng lắng nghe. Hãy quan sát, xác định điều gì khiến bé khó chịu, không nghe lời và bình tĩnh kiểm soát tình hình.

Hơn thế nữa, các bé lì lợm phần nhiều do bản chất. Vì thế, những hành vi như mắng mỏ, quát tháo, đánh đập sẽ làm bé chai lỳ hơn. Không những không sợ mà bé sẽ càng ngày càng tỏ ra cứng đầu, khó dạy dỗ hơn. Còn nếu bạn quan sát thấy bé có những biểu hiện lầm lì bất thường, chậm hoặc kém phản ứng với những yêu cầu của cha mẹ, bạn nên đưa bé đi khám.

Trường mầm non BiBi

  • Địa chỉ: Số 79 đường Nguyễn Trãi, P. Máy Tơ, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng
  • Tel: 02253.686.956
  • Email: bibikindergarten@gmail.com
  • Website: http://mamnonbibihp.com